Jet lag là gì? Cách phòng tránh như thế nào?

Jet lag là hiện tượng khá phổ biến với những người phải di chuyển qua nhiều múi giờ. Hội chứng Jet lag khiến cho nhiều người thấy mệt mỏi, ảnh hưởng tới sinh hoạt, công việc hoặc đôi khi là ảnh hưởng tới chuyến đi chơi. Vậy Jet lag là gì? làm thế nào để phòng tránh Jet lag? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây:

Bệnh Jet lag là gì?

Jet lag là gì? Jet lag là một hội chứng thường xảy ra khi có sự thay đổi đột ngột về múi giờ hoặc khi cơ thể có sự thay đổi đồng hồ sinh học.

Việc bạn di chuyển qua nhiều múi giờ khác nhau, hay làm việc theo ca ngày, đêm đan xen khiến cơ chế sinh học của cơ thể không thích ứng kịp và xảy ra hiệu ứng Jet lag.

Triệu chứng bệnh Jet lag

Triệu chứng Jet lag rất đa dạng và tùy mức độ nặng nhẹ ở mỗi người mà biểu hiện ra khác nhau. Phổ biến nhất chính là những dấu hiệu về giấc ngủ. Bạn có thể bắt gặp những dấu hiệu sau đây:

⏩ Bị rối loạn giấc ngủ: thức dậy quá sớm, mất ngủ, buồn ngủ vào ban ngày... Bởi cơ thể bạn đang quen với nhịp sinh học ở múi giờ cũ nên nhận thức về sáng tối vẫn chưa thay đổi được.

⏩ Cơ thể mệt mỏi, uể oải.

⏩ Khó tập trung làm việc, hay bị nhầm lẫn, sai sót.

⏩ Ăn uống không ngon, có cảm giác chán ăn.

⏩ Bị chứng rối loạn tiêu hóa như táo bón hay tiêu chảy.

⏩ Ngoài ra người bị Jet lag còn có thể bị buồn nôn, nhức đầu, một số có thể bị trầm cảm nhẹ khi cơ thể chưa thích nghi được.

Những triệu chứng bị Jet lag có thể xuất hiện một hoặc nhiều và có thể kéo dài hay ngắn là tùy vào từng người, khoảng cách di chuyển bao xa, số múi giờ đi qua, độ tuổi của bạn hay tình trạng sức khỏe của bạn như thế nào...

Với những người cao tuổi, tình trạng Jet lag có thể kéo dài hơn và tình trạng nghiêm trọng hơn, trong khi trẻ nhỏ thường cớ các triệu chứng nhẹ hơn và thời gian thích nghi cũng nhanh hơn.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng Jet lag

Để tìm hiểu nguyên nhân của Jet lag, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nhịp sinh học của cơ thể, xem chúng điều chỉnh hoạt động như thế nào.

Mỗi người có một đồng hồ sinh học riêng dựa vào những thói quen sinh hoạt hàng ngày. Trong chu kỳ 24 giờ thì chúng sẽ điều chỉnh hoạt động của con người như ăn uống, ngủ, thức và điều chỉnh cả nhiệt độ cơ thể.

Trong não bộ có một nhóm tế bào thần kinh liên quan đến giấc ngủ của con người và một nhóm kiểm soát trạng thái mơ của giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh (REM). Và nhóm kiểm soát giấc ngủ REM thường khó thích nghi hơn với chu kỳ mới khiến đồng hồ sinh học không đồng bộ khi thay đổi múi giờ. Chính điều này gây ra hiện tượng Jet lag.

Ngoài ra còn có nguyên nhân khác như: làm việc theo ca ngày, đêm; chứng rối loạn giấc ngủ khiến cơ thể thay đổi chu kỳ thức, ngủ, thời gian ăn uống, mất cân bằng hormone, nhiệt độ cơ thể thay đổi...Và hiện tượng Jet lag sẽ tiếp tục cho đến khi cơ thể thay đổi để đáp ứng với môi trường mới.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị Jet lag

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị Jet lag như:

⏩ Sự chênh lệch múi giờ. Điểm đến và điểm đi của bạn càng chênh lệch nhiều thì nguy cơ bị Jet lag càng cao.

⏩ Đi về hướng Đông. Nguyên nhân là do múi giờ ở phía Đông sẽ sớm hơn múi giờ ở phía tây nên nếu bay về hướng đông cơ thể có ít thời gian để điều chỉnh nhịp độ sinh học, và nếu bay về hướng Tây thì sẽ có nhiều thời gian hơn để phục hồi.

⏩ Uống rượu và caffein trong hoặc trước chuyến bay sẽ khiến tình trạng Jet lag trở lên trầm trọng hơn. Bởi cả hai thức uống này đều làm cơ thể mất nước trong môi trường cabin máy bay khô hơn mặt đất. Ngoài ra rượu và caffein còn khiến gián đoạn giấc ngủ nên sẽ khiến cơ thể mệt mỏi hơn, làm các triệu chứng Jet lag trầm trọng hơn.

⏩ Những người phải bay thường xuyên như phi công, tiếp viên, doanh nhân... thường dễ bị Jet lag hơn.

⏩ Người lớn tuổi. Do cơ thể người lớn tuổi khó thích nghi với môi trường mới hơn, đồng hồ sinh học đã quen mới nhịp sống hiện tại nhiều năm nên khi bị Jet lag người lớn tuổi cũng sẽ có những triệu chứng trầm trọng hơn và thời gian phục hồi cũng lâu hơn.

Cách phòng tránh hiện tượng Jet lag

Hiệu ứng Jet lag sẽ tự biến mất sau vài ngày nên không cần thiết phải điều trị. Nhưng bạn hoàn toàn có thể chủ động trang bị những cách phòng tránh Jet lag bằng cách điều chỉnh cơ thể để thích ứng với môi trường mới, nhằm làm giảm các triệu chứng:

☑️ Chọn thời gian bay phù hợp để cơ thể có thể thích nghi với môi trường mới ngay sau khi đến nơi.

☑️ Nên đến sớm hơn so với thời gian dự định nếu bạn bay sang để đàm phán một hợp đồng hay đi dự một cuộc họp quan trọng. Bạn sẽ có thời gian nghỉ ngơi để điều chỉnh cơ thể về trạng thái tốt nhất.

☑️ Nếu phải bay về phía Đông, hãy tạo thói quen đi ngủ sớm hơn trong vài ngày trước đó. Và nếu bay về phía Tây hãy ngủ muộn hơn bình thường.

☑️Khi lên máy bay hãy điều chỉnh đồng hồ thành giờ nơi bạn muốn đến để cơ thể cảm nhận được thời gian ở điểm đến.

☑️ Uống nhiều nước trong chuyến bay, tránh rượu và caffein.

☑️ Có thể ăn nhẹ trên máy bay nếu thời gian ở nơi đến đang là giờ ăn, để cơ thể thích ứng với giờ giấc ăn uống.

☑️ Cố gắng ngủ khi thời gian ở điểm đến đang là ban đêm. Bạn có thể sử dụng các biện pháp như dùng nút bịt tai, đeo mặt nạ mắt, kéo rèm để giảm ánh sáng chiếu qua cửa sổ nếu đang trên máy bay; hoặc tắm nước nóng nếu đã đến nơi.

Trên đây là những chia sẻ về hội chứng Jet lag. Hy vọng qua bài viết các bạn sẽ có thêm cho mình những thông tin hữu ích. Chúc các bạn có những chuyến bay an toàn, khỏe mạnh!

Có thể bạn quan tâm:

Tác dụng của cây nha đam đối với cơ thể

Miếng dán tránh thai có an toàn không